TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

23/10/2020

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ
Ở VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI

Lê Quốc Phong, 
Phó chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt nam 

 

Theo Liên đoàn quốc tế các phong trào Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) (International Federation of Organic Agriculture Movements - IFOAM) cho rằng: “NNHC là một hệ thống sản xuất để duy trì sức khoẻ của đất, hệ sinh thái và con người. Nó dựa vào quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và chu kỳ thích nghi với điều kiện địa phương chứ không phải sử dụng các yếu tố đầu vào với các hiệu ứng bất lợi. NNHC kết hợp truyền thống, sự đổi mới và khoa học để có lợi cho môi trường và thúc đẩy mối quan hệ công bằng và một cuộc sống chất lượng cho tất cả các bên tham gia”[6].
Bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XX, đến nay NNHC đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển.Có thể nhận thấy những lợi ích do NNHC mang lại ở góc độ tác động môi trường (duy trì đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng đất hay giảm phát thải khí nhà kính như CO2, N2O, CH4 trong quá trình canh tác), cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm sạch hơn (không có dư lượng phân bón, thuốc BVTV có nguồn gốc hóa học)… Tuy nhiên, vấn đề phát triển NNHC tại Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa thật sự thuận lợi bởi những ảnh hưởng từ các vấn đề an ninh lương thực, hiệu quả kinh tế, khả năng chuyển đổi tập quán canh tác của người nông dân và nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

 

I. Tình hình sản xuất NNHC trên thế giới


Theo kết quả nghiên cứu của Viện nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ -FiBL (Research Institude of Organic Agriculture), diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ thế giới tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, có 181 quốc gia/vùng lãnh thổ báo cáo đã thực hiện sản xuất NNHC  với tổng diện tích đất sản xuất khoảng 69,8 triêu ha, tăng gần 6 lần so với năm 1999 (11 triệu ha) và tăng 20% so với năm 2016 (58,2 triệu ha). Trong đó, các khu vực châu Đại Dương, châu Âu và châu Mỹ chiếm tỷ lệ hơn 85% 
Về hệ thống chứng nhận nông sản hữu cơ: Để giúp đỡ các nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng, ở các nước tiến bộ họ đều có các tiêu chuẩn riêng cho các mặt hàng hữu cơ của nước mìnhnhư Mỹ (nhãn chứng nhận là USDA, NSF/ANSI ), Úc(là NASSA, ACO, BDRI…), EU (là NATURE, COSMOS), Nhật (là JAS)….Các tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên các tiêu chí đầu vào của sản xuất rất nghiêm ngặt, buộc các nhà sản xuất phải tuân thủ. Khi sản phẩm sản xuất ra được cấp giấy chứng nhận theo các tiêu chuẩn như trên sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và an tâm sử dụng, đây cũng là điều kiện cần thiết và quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

II. Tình hình sản xuất NNHC ở Việt Nam


Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã có nền nông nghiệp hữu cơ truyền thống từ rất lâu, điều này cần được nói rõ thêm là trong những năm điều kiện kinh tế xã hội của nước ta còn nhiều khó khăn, sản xuất còn tự cung tự cấp, trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún nhỏ lẻ, đầu tư khoa học công nghệ chưa nhiều.Các vật tư đầu vào chủ yếu dựa vào nguyên vật liệu sẵn có như giống cây, con địa phương, phân chuồng, phân xanh, các phụ phế phẩm khác của chăn nuôi, chế biến thủ công…để sản xuất, nên so với tiêu chuẩn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay thì loại hình sản xuất nông nghiệp truyền thống của nước ta “rất gần” với nông nghiệp hữu cơ ngày nay.
Về chứng nhận, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã được nhiều tổ chức nước ngoài chứng nhận như tiêu chuẩn Châu Âu (EU), Hoa kỳ (UDSA)... Và để tăng tính hội nhập cho sản phẩm NNHC Việt Nam, ngày 29/12/2017, Bộ KHCN ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam 11041 về nông nghiệp hữu cơ gồm 3 phần:
-    TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
-    TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ
-    TCVN 11041-3:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3: Chăn nuôi hữu cơ
Bộ TCVN này có tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ như IFOAM hay các tiêu chuẩn khu vực… để đảm bảo hài hòa. Cũng trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định 108/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ có hiệu lực từ 15/10/2018 quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, logo, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Trên đây là đôi nét về tình hình sản xuất NNHC trên thế giới và tại Việt Nam. Theo đánh giá chung về tốc độ tăng trưởng diễn ra khá nhanh trong những năm gần đây thể hiện qua các thống kê về diện tích canh tác, sản lượng, nhà sản xuất và nhu cầu tiêu thụ của thị trường. NNHC là một hệ thống sản xuất nhằm duy trì sức khỏe của đất, hệ sinh thái và môi trường sống trong lành cho con người, tuy nhiên việc phát triển nó lại có thể mở ra nhiều thách thức liên quan đến các vấn đề an ninh lương thực, năng suất có thể giảm khoảng 19 – 25% sẽ dẫn đến khai phá đất canh tác mới. Hơn nữa, giá thành sản phẩm còn cao nên số đông người tiêu dùng khó có khả năng sử dụng.Một thực tế đáng lo ngại là các nông sản hữu cơ được làm ra đang bị đánh đồng với các nông sản khác, chưa có chỗ đứng xứng đáng cho mình trên thị trường do người tiêu dùng còn nghi ngại sản phẩm này có đúng là được sản xuất theo quy trình canh tác hữu cơ hay không?  Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại tỷ trọng sản phẩm NNHC chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong giá trị nông sản của toàn cầu và chưa thể đáp ứng được nhu cầu lương thực của thế giới. Trong tương lai, với những giá trị cốt lõi mà ngành sản xuất này mang lại như đảm bảo thực phẩm an toàn và môi trường sinh thái lành mạnh …chúng ta có quyền hy vọng loại hình sản xuất tiên tiến đầy nhân văn này sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

Bài viết khác