Hệ Thống Tiêu Chuẩn Chứng Nhận Sự Phù Hợp về Nông Nghiệp Hữu Cơ Xu Thế Hội Nhập Quốc Tế

Hệ Thống Tiêu Chuẩn Chứng Nhận Sự Phù Hợp về Nông Nghiệp Hữu Cơ Xu Thế Hội Nhập Quốc Tế

23/10/2020


 Hệ Thống Tiêu Chuẩn Chứng Nhận Sự Phù Hợp về Nông Nghiệp Hữu Cơ 
Xu Thế Hội Nhập Quốc Tế

    Nông nghiệp hữu cơ và hiện trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới và tại Việt Nam
    Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống quản lý sản xuất toàn diện nhằm duy trì được lâu dài độ màu mỡ của đất, tăng cường đa dạng sinh học, các chu trình sinh học và năng suất sinh học. Nông nghiệp hữu cơ nhấn mạnh việc quản lý các hoạt động canh tác, hạn chế việc dùng các vật liệu tổng hợp từ bên ngoài (thức ăn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh,...), có tính đến các điều kiện của từng vùng, từng địa phương, sử dụng lành mạnh đất đai, nước và không khí cũng như giảm thiểu nhiễm bẩn do các hoạt động nông nghiệp, nhấn mạnh việc sử dụng các phương pháp chế biến cẩn trọng trong quá trình xử lý các sản phẩm nông nghiệp để duy trì các phẩm chất hữu cơ quan trọng của sản phẩm trong tất cả các giai đoạn.
    Cũng theo thống kê do Fibl và IFOAM tiến hành, Việt Nam, với số liệu ước tính về diện tích nông nghiệp hữu cơ là 43.007 héc ta , đứng thứ 56/170 nước, đứng thứ 3 trong ASEAN sau Indonesia và Philippines. Trong giai đoạn 2007-2014, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam đã tăng gần gấp 3 lần. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp 26,8 triệu héc ta  thì đây vẫn là một con số khá khiêm tốn (chiếm 0,16%).

    Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực trồng trọt với sản phẩm được xuất khẩu đi thị trường Mỹ và Châu Âu tập trung vào nhóm sản phẩm như chè, gia vị và tinh dầu. Nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong nước chủ yếu là chè và rau quả ở các thành phố lớn, gắn với thực trạng mối lo về vấn đề an toàn thực phẩm. Một số cửa hàng, siêu thị bày bán các sản phẩm rau quả hữu cơ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với giá tương đối cao so với sản phẩm cùng loại tuy nhiên người tiêu dùng còn chưa thật sự tin cậy vì thiếu thông tin xác thực. 
Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về NNHC trên thế giới và Việt Nam.


    1. Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ:


    Năm 1999, nhằm đáp ứng nhu cầu về việc hình thành một tiêu chuẩn quốc tế chung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Uỷ ban an toàn thực phẩm Codex đã ban hành tiêu chuẩn mang số hiệu CAC/GL 32-1999 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo pháp hữu cơ. Bản soát xét mới nhất của tiêu chuẩn vào năm 2013 đã bao gồm các tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Phụ lục 2 của tiêu chuẫn cũng đã liệt kê danh mục các chất cụ thể được sử dụng trong sản xuất thực phẩm hữu cơ.
    Cho tới nay, tiêu chuẩn này của Codex được xem như cơ sở nền tảng để hình thành các tiêu chuẩn khu vực (VD: Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của ASEAN), Tiêu chuẩn của hiệp hội (VD: Tiêu chuẩn của IFOAM), hay quy định của một số quốc gia (VD: Tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ JAS của Nhật Bản). 


    2. Hệ thống tiêu chuẩn khu vực về nông nghiệp hữu cơ: 


    - Năm 2007, Liên minh Châu Âu (EU) ban hành quy định EC 834/2007 về sản xuất và gắn nhãn sản phẩm hữu cơ và quy định EC 889/2008 hướng dẫn chi tiết thực hiện EC 834/2007, trong đó đề cập tới sản xuất hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sản phẩm chế biến, thu gom đóng gói vận chuyển và bảo quản, quy tắc chuyển đổi, quy tắc sản xuất ngoại lệ.    
    - Năm 2014, trong khuôn khổ hoạt động của Uỷ ban tư vấn về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp của ASEAN (ACCSQ) mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đại diện của Việt Nam tham gia,  nhóm công tác đặc biệt của ASEAN đã xây dựng và hình thành Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của ASEAN (ASEAN Standard for Organic Agriculture - ASOA). Nội dung của tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên nền tảng của tiêu chuẩn quốc tế Codex.


    3. Hệ thống tiêu chuẩn, quy định của một số nước về nông nghiệp hữu cơ: 


    Hiện nay, 87 quốc gia trên thế giới đã ban hành tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy định về nông nghiệp hữu cơ. Một số ví dụ về tiêu chuẩn quốc gia, quy định cụ thể như sau
     - Hoa Kỳ: quy định về sản phẩm hữu cơ được nêu trong Bộ luật liên bang – Tiêu đề 7: Nông nghiệp – Tiêu đề phụ B – Chương I: Dịch vụ quảng bá về nông nghiệp – Phụ chương M: Điều khoản quy định về sản xuất thực phẩm hữu cơ – Phần phụ C: Các yêu cầu về sản xuất và xử lý sản phẩm hữu cơ và Phần phụ D: Dán nhãn và thông tin đưa ra thị trường về sản phẩm hữu cơ. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ban hành quy định về sản phẩm hữu cơ USDA-NOP.
    - Nhật Bản: quy định về nông nghiệp hữu cơ được xây dựng trên nền tảng tiêu chuẩn Codex với các yêu cầu bổ sung gồm 4 tiêu chuẩn cụ thể về Cây trồng hữu cơ, Thực phẩm chế biến hữu cơ, Các sản phẩm chăn nuôi hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
    - Trung Quốc: hiện có bộ tiêu chuẩn GB/T 19630 về sản phẩm hữu cơ gồm 4 phần liên quan tới Sản xuất, Quá trình, Dán nhãn và tiếp thị, Hệ thống quản lý.
    - Thái Lan: hiện có bộ tiêu chuẩn TAS 9000 về nông nghiệp hữu cơ gồm 1 tiêu chuẩn chung xây dựng trên nền tiêu chuẩn của Codex và 2 tiêu chuẩn cho lĩnh vực Chăn nuôi hữu cơ và Thức ăn thuỷ sản hữu cơ. Ngoài ra Thái Lan còn phát triển một số tiêu chuẩn cho sản phẩm cụ thể như tiêu chuẩn cho Gạo hữu cơ, Cá sặc rằng hữu cơ, Mật ong hữu cơ.


    4. Hệ thống tiêu chuẩn riêng: 


    Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ IFOAM đã xây dựng và phối hợp với một số tổ chức ban hành các tiêu chuẩn sau trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ:
    - Tiêu chuẩn của IFOAM cho sản xuất và chế biến hữu cơ; 
    - Tiêu chuẩn về hệ thống đảm bảo cùng tham gia (PGS);
    - Tiêu chuẩn hữu cơ khu vực Châu Á (Asia regional organic standard do UNCTAD, FAO và IFOAM cùng phối hợp xây dựng).
    5. Hệ thống tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam:


    Năm 2015, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 đã xây dựng trình Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) thẩm định để Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041:2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 được xây dựng trên cơ sở của tiêu chuẩn quốc tế Codex CAC/GL 32-1999, soát xét 2007, sửa đổi 2013. 
Hoạt động chứng nhận nông nghiệp hữu cơ ở một số nước trên thế giới và Việt Nam
    Nhiều nước trên thế giới hiện đã triển khai các chương trình chứng nhận sản phẩm hữu cơ độc lập của bên thứ 3 theo nguyên tắc của tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17065. Về bản chất, chứng nhận nông nghiệp hữu cơ là việc xem xét, đánh giá việc xử lý các hoạt động hay quá trình sản xuất sản phẩm hữu cơ có phù hợp với các chuẩn mực quy định hay không. Một số chương trình chứng nhận phổ biến bao gồm: 
    chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA-NOP của Hoa Kỳ, 
    chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo quy định tại EC 834/2007 của Châu Âu, 
    chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn JAS của Nhật Bản
    chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo India NSOP của Ấn độ
    chứng nhận sản phẩm hữu cơ theo chương trình của Onecert dựa trên USDA-NOP có bổ sung các yêu cầu của EC834, India NSOP và JAS
    Cho đến nay Canada, Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đã hình thành cơ chế chấp nhận kết quả chứng nhận của các chương trình trong nhóm. Một số chương trình chứng nhận hữu cơ khác của Hàn Quốc hay Đài Loan cũng đang xúc tiến các hoạt động xem xét lẫn nhau với chương trình chứng nhận của Hoa Kỳ để hội nhập trong cơ chế chấp nhận chung này.
        Trong thời gian qua, hoạt động chứng nhận nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam chủ yếu được thực hiện bởi một số tổ chức chứng nhận ở nước ngoài, thực hiện đánh giá chứng nhận theo các tiêu chuẩn của USDA-NOP hay EC 834/2007 để phục vụ cho yêu cầu cụ thể của một số thị trường xuất khẩu. Theo số liệu thống kê sơ bộ , đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam có khoảng 18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA-NOP và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007. Hoạt động tự đánh giá, tự công bố theo hình thức của chương trình Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS của IFOAM đã được triển khai tại 6 hệ thống ở các địa phương bao gồm Sóc Sơn – Hà Nội, Lương Sơn – Hoà Bình, Trác Văn – Hà Nam, Tân Lạc – Hoà Bình, Hội An và Bến Tre thu hút 298 thành viên là các hộ nông dân với tổng diện tích 27,8 héc ta công bố đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ PGS, chuyển đổi 15,5 héc ta, cung cấp khoảng 714 tấn rau 1 năm cho thị trường nội địa.
    Định hướng và giải pháp hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và hệ thống chứng nhận sản phẩm hữu cơ ở Việt nam
     Về hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ:
 Năm 2015, Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 đã xây dựng trình Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) thẩm định để Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) TCVN 11041:2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Tiêu chuẩn TCVN 11041:2015 được xây dựng trên cơ sở của tiêu chuẩn quốc tế Codex CAC/GL 32-1999, soát xét 2007, sửa đổi 2013. 
Hiện tại, Tổng cục TCĐLCL đã trình Bộ Khoa học và Công nghệ hồ sơ dự thảo “TCVN 11041-1:2017 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 1: Yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ”để công bố và đề nghị hủy bỏ “TCVN 11041:2015 Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ”. 
- Tổng cục TCĐLCL cũng xác định cần ưu tiên thúc đẩy xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia TCVN khác trên cơ sở tham khảo tiêu chuẩn quốc tế nhằm hướng dẫn chi tiết quá trình sản xuất hữu cơ trong một số lĩnh vực cụ thể như sản xuất hữu cơ trong trồng trọt, trăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản, đồng thời gắn việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia TCVN về sản phẩm hữu cơ đối với một số sản phẩm cụ thể có tiềm năm xuất khẩu lớn như gạo, cà phê, tôm, mật ong... với mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu quốc gia.
Hiện nay, Tổng cục đang hoàn hiện hồ sơ để trình Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các tiêu chuẩn quốc gia sau đây:
+ TCVN 11041-2Nông nghiệp hữu cơ – Phần 2: Trồng trọt hữu cơ; 
+ TCVN 11041-3 Nông nghiệp hữu cơ – Phần 3:Chăn nuôi hữu cơ; 
+ TCVN 12134 Nông nghiệp hữu cơ – Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận
     Về hoàn thiện hệ thống chứng nhận nông nghiệp hữu cơ
    Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia TCVN hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế Codex về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và xây dựng chương trình chứng nhận tương đồng với thực tiễn chung của các nước trên thế giới là điều kiện quan trọng để đảm bảo tiến tới thoả thuận và được các quốc gia khác chấp nhận theo nguyên tắc thừa nhận lẫn nhau, bước đầu là trong ASEAN, sau đó mở rộng tới các nước khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Ấn độ..., tạo điều kiện để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
    Mặt khác, Tổng cục TCĐLCL cũng cho rằng cần khuyến khích và ghi nhận nỗ lực của các chương trình tự đánh giá, tự công bố như chương trình Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS của IFOAM mà Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang thúc đẩy triển khai. Khuyến khích các hình thức tự công bố phù hợp tiêu chuẩn với sự giám sát, thanh kiểm tra của các cơ quan có chức năng là một phương thức quản lý chất lượng mà hiện nay Tổng cục TCĐLCL đang đẩy mạnh theo đúng tinh thần tháo gỡ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh nêu trong Nghị quyết 19 của Chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần có sự minh bạch hoá và điều chỉnh thông tin từ phía chương trình Hệ thống đảm bảo cùng tham gia PGS để tránh nhầm lẫn giữa hoạt động tự công bố phù hợp với hoạt động chứng nhận do bên thứ ba thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp.

Bài viết khác